Hãy xem bức ảnh mới toe chụp thiên hà ở trên, nó là bức ảnh chi tiết nhất chụp thiên hà này đấy! Nhìn hình thì có vẻ đây là một nơi bình yên nhưng các nhà thiên văn đã phát hiện ra những vụ nổ dữ đội của hai ngôi sao trong thiên hà này suốt 30 năm qua.
Khi một ngôi sao khổng lồ nổ tung, nó được gọi là một “vụ nổ siêu tân tinh” (supernovae). Đó là một trong những hoạt động mãnh liệt nhất trong vũ trụ. Chúng phát ra một luồng ánh sáng mạnh đến nỗi có thể làm lu mờ cả một thiên hà rực rỡ và rồi mờ dần đi trong vài tuần hoặc vài tháng. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, một vụ nổ siêu tân tinh có thể tỏa ra một nguồn năng lượng bằng cả đời hoạt động của ông mặt trời!
Một nhà thiên văn chuyên nghiệp đã dùng kính viễn vọng cỡ lớn đặt tại miền sa mạc của Chi-lê - một đất nước ở Nam Mỹ và phát hiện ra vụ nổ siêu tân tinh đầu tiên của thiên hà trong hình. Tuy nhiên, khám phá gần đây nhất do bác Berto Monard ở Nam Phi tìm ra hồi năm 2007. Bác Berto thích săn tìm những vụ nổ siêu tân tinh bằng kính thiên văn của mình. Bác là một trong số những thợ săn vụ nổ siêu tân tinh trên khắp thế giới - những thợ săn với niềm vui khám phá!
Vậy làm thế nào bạn có thể tìm được một vụ nổ siêu tân tinh? Đơn giản là bạn dùng kính thiên văn để chụp hình các thiên hà, sau đó so sánh chúng với những tấm hình cũ hơn. Nếu có thay đổi về độ sáng vài nơi trên hình thì có thể đã có một ngôi sao bùng nổ rồi đấy.
Bạn có biết
Năm ngoái, một cô bé 10 tuổi người Ca-na-đa tên là Ca-thơ-rin Ô-rô-ra Gờ-ray (Kathryn Aurora Gray) đã trở thành người trẻ nhất phát hiện ra một vụ nổ siêu tân tinh. Bạn có thể phá kỉ lúc của Kathryn đấy! Thậm chí khi bạn không có một chiếc kính thiên văn thì bạn vẫn có thể đi “săn” những vụ nổ siêu tân tinh bằng cách sử dụng hình ảnh chụp vũ trụ của trang mạng này: www.zooniverse.org/project/supernovae
Share: