Phải mất một khoảng thời gian khá lâu để các nhà thiên văn học nghiên cứu tất cả những chi tiết tuyệt vời được tìm thấy bên trong bức ảnh thiên văn mới này của một vài ngôi sao sơ sinh trong đám mây khí phát sáng rực rỡ. Bạn đã quan sát kĩ và nhìn thấy mọi thứ chưa? Thực ra, đây là một câu hỏi đánh lừa, bởi vì có những vật thể vô hình đang ẩn nấp trong bức ảnh này đấy!
Bạn có thấy dấu màu đen ở góc trên cùng bên phải của bức ảnh không? Ở đây, đám mây khí chưa thể được chụp bởi vì có những đám mây tối gọi là ‘Những hạt Bok’ chắn tầm nhìn. Các hạt Bok này hấp thụ ánh sáng từ các đám mây sáng ở phía sau, tạo nên ảo ảnh như không có gì ở đây cả.
Giống như ngôi sao sơ sinh mà chúng ta có thể thấy đang tỏa sáng rực rỡ trong bức ảnh này, các hạt Bok cũng có những ngôi sao mới sinh ẩn bên trong. Nhưng đám bụi và khí dày đặc bên trong các hạt Bok hoạt động giống như một tấm áo tàng hình cho các ngôi sao này.
Tấm áo tàng hình này, tuy nhiên, vẫn có khuyết điểm: nó bị phát hiện khi các nhà thiên văn học nhìn các hạt Bok bằng một loại kính thiên văn đặc biệt có thể nhận biết tia hồng ngoại. Mắt của chúng ta không thể nhìn thấy tia hồng ngoại, nhưng chúng ta sử dụng chúng ở nhà để bật TV bằng bộ điều khiển từ xa. Và tia hồng ngoại có thể đi xuyên qua lớp bụi bên trong các hạt Bok.
Vì thế, cho dù sự cố gắng hết mức để giữ bí mật các ngôi sao, thiết bị tàng hình của các hạt Bok không thể so được với các kính thiên văn cực mạnh của các nhà thiên văn học đó!
Bạn có biết
Nhà thiên văn học Bart Bok, người phát hiện ra các hạt Bok vào thập kỉ 1940, đã nghĩ rằng các ngôi sao có lẽ được sinh ra bên trong các đám mây tối này. Nhưng mãi gần 50 năm sau, ý tưởng của ông mới được chứng thực bằng kính thiên văn tia hồng ngoại!
More information
Bài viết được viết lại theo thông tin từ thông cáo báo chí của ESO
Share: